MỘT CUỘC THI ĐÁNH THỨC MỘT THỂ LOẠI VĂN HỌC ĐÃ NGỦ QUÊN

Thứ bảy - 24/10/2020 04:16
MỘT CUỘC THI ĐÁNH THỨC MỘT THỂ LOẠI VĂN HỌC ĐÃ NGỦ QUÊN

Không có mô tả ảnh.

Kính thưa quý vị !
Cuộc thi bút ký viết về phương Nam do quán Chiêu Văn tổ chức đã kết thúc tốt đẹp. Tôi dùng từ “tốt đẹp” ở đây không phải theo ý nghĩa xã giao của một bài diễn văn thông thường mà chúng ta hay gặp ở đâu đó trong đời sống xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh rằng cuộc thi đã mang lại rất nhiều ý nghĩa cho đời sống văn học của chúng ta, đặc biệt là của vùng đất phương nam yêu mến.
Lần dỡ từng trang bản thảo của 31 tác giả lọt vào vòng chung khảo, mỗi người một câu chuyện, một cách tiếp cận đời sống khác nhau, một lát cắt khác nhau, một cách kể khác nhau, nhưng qua 31 tác phẩm bút ký vào chung khảo đã cho ta có một cái nhìn gần như toàn diện về lịch sử văn hóa, về thiên nhiên, về sản vật, về tính cách và cả số phận buồn vui của một phần đất nước.
Thưa các bạn !
Nếu như bút ký ĐỜN CA TÀI TỬ LÀM PHONG PHÚ TÂM HỒN TÔI của Phạm Quang Tân khái quát được một phần lịch sử và những bước thăng trầm của đờn ca tài tử Nam Bộ, tiền thân của sân khấu cải lương, một môn nghệ thuật lừng danh thì bút ký NGƯỜI VÙNG VEN VỚI CẢI LƯƠNG, VỌNG CỔ của tác giả Em Nguyên là một câu chuyện tiếp theo, khai thác một phía khác của bộ môn nầy, đó là tình cảm, lòng ngưỡng mộ của công chúng đối với sân khấu cải lương, gắn liền với không khí sinh hoạt văn hóa của làng quê Nam Bộ, cái hồn cốt của văn hóa phương Nam gần như được gói trọn trong hai tác phẩm nầy.
Chúng ta, không ít người đã từng biết đến con còng gió, một loài giáp xác sống ở bãi bồi và các vùng ven biển. Nhưng khi đọc bút ký GIÓ ĐƯA GIÓ ĐẨY VỀ RẪY ĂN CÒNG CỦA TÁC GIẢ Lân Hùng, ta phát hiện ra một ký ức tuổi thơ của người dân miền tây đầy ắp những kỷ niệm đẹp với con còng và món mắm còng độc đáo trong văn hóa ẩm thực của xứ Gò Công.
Miền tây, mỗi năm một mùa nước nổi như đến hẹn lại lên, mỗi người, mỗi vị trí xã hội có góc nhìn khác nhau về hiện tượng nầy. Nhưng qua cảm xúc của tác giả Trần Thị Mỹ Xuyên với bút ký KHI CON NƯỚC NHẢY KHỎI BỜ, ta nhận ra mùa nước nổi ở miền tây có một nét đẹp lạ lùng, một nét đẹp chừng như ngấm trong từng dòng nước, ngấm trong từng hạt phù sa của ký ức văn chương.
Sự trù phú của sông nước Cửu Long cùng với tính cách hào sảng, tình yêu thiên nhiên của người miền tây được khắc họa qua chân dung của ông Tư Tổng, một nông dân bỏ ra hai chỉ vàng để giải cứu hai con cá nược thoát chết trong bút ký NGƯỜI VÀ SÔNG của tác giả Bùi Trung, có lẽ bất cứ ai trong chúng ta khi đọc bút ký nầy không thể không vun đắp thêm cho mình một tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước.
Còn rất nhiều, nhiều lắm những trang viết, những câu chuyện về đất và người phương Nam, những câu chuyện ngồn ngộn chất liệu đời sống, những câu chuyện đầy ắp tình người với quê hương xứ sở, tình yêu ấy không phải là những gì cao sang hay xa lạ mà nó rất gần gũi, thân thương, bình dị ở chỗ người ta biết sống vì nhau, nó bình dị, gần gũi như con cá, cọng rau, dòng sông, bến nước, như tiếng hát, như cung đàn, như câu ca, như lời ru của mẹ.
Kính thưa các bạn !
Đọc các tác phẩm bút ký người thật việc thật về đất và người phương Nam, chúng ta không chỉ nhìn thấy từ tổng quan đến chiều sâu về lịch sử, văn hóa, tính cách, sự trù phú của thiên nhiên cùng hơi thở và nhịp sống của một vùng sông nước Cửu Long mà ở đó còn có cả một hiện thực xã hội nhức nhối, đau lòng về thân phận con người qua ngòi bút của tác giả Nga Nga Cao với bút ký NHỮNG ĐÓA LỤC BÌNH TRÔI.
Ai đã từng đi qua chín nhánh sông Cửu Long có lẽ đã từng thấy những cụm lục bình lang thang trôi theo dòng nước với màu hoa tím rịm man mác một nỗi buồn. Tác giả đã mượn hình tượng đó dể kể câu chuyện buồn về những cô gái miền tây tha phương cầu thực trên đất Hà Thành bằng cái nghề không may mắn.
Công bằng mà nói, viết về gái giang hồ là một đề tài không mới. Nhưng viết với ngòi bút vừa sắc sảo, vừa tinh tế và đặc biệt là viết bằng sự rung cảm chân tình của một trái tim nhân hậu như Nga Nga Cao, thật tình chẳng có mấy ai.
Như văn hào Gorky đã nói: “ Đối tượng của văn học chính là con người và thân phận con người”. Thì đây, bút ký NHỮNG ĐÓA LỤC BÌNH TRÔI của Nga Nga Cao chính là một tác phẩm văn học.
Thưa các bạn !
Chúng ta không đủ thì giờ để điểm qua từng cái hay, cái đẹp của 31 tác phẩm dự thi. Ở đây, dưới góc độ của những người đang tham gia hoạt động văn chương, chúng tôi muốn gởi đến nhà văn Trịnh Đình Nghi và Quán Chiêu Văn, không phải lời cảm ơn mà là một sự biết ơn vô cùng về cuộc thi nầy.
Có thể nói đây là một sự kiện đã đánh thức một thể loại văn học tưởng chừng như đã ngủ quên suốt nhiều thập niên qua. Các bạn đừng bao giờ cho rằng viết truyện ngắn hay tiểu thuyết mới được xem là thể loại sang trọng của văn chương.
Hoàn toàn không như thế. Những tên tuổi của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gắn liền với thể loại người thật việt thật nầy.
Cuối cùng, chúng tôi muốn nói thêm rằng, qua việc tổ chức các cuộc thi văn học của Quán Chiêu Văn đã cho ta một cái nhìn mới hơn, thoáng hơn và phong phú hơn về phương thức hoạt động văn học. Nghĩa là, ngoài một tổ chức mang tầm vóc và ý nghĩa như Hội Nhà Văn Việt Nam, chúng ta cần có nhiều sân chơi hơn nữa của những người yêu mến, có tâm huyết và có tấm lòng với văn chương như Quán Chiêu Văn để cho trái tim văn học của nước nhà càng ngày càng thêm sức sống.
Xin cảm ơn các bạn!

 
Nhà văn Sương Nguyệt Minh


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LỜI NGỎ

  Hội nhóm Quán Chiêu Văn là nơi dành cho những người yêu thích văn chương và viết lách lui tới giao lưu sinh hoạt và chia sẻ cùng nhau về sở thích. Thành viên tự nguyện tham gia, không phân biệt vùng miền, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và vị trí công tác... Tất cả thành viên đều...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Quán Chiêu Văn?

Thống kê
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,360
  • Tháng hiện tại33,157
  • Tổng lượt truy cập4,123,686
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây