ĐẰNG SAU TIẾNG CƯỜI
Tống Phước Bảo
2022-09-06T23:45:03-04:00
2022-09-06T23:45:03-04:00
https://quanchieuvan.com/tin-van-nghe/dang-sau-tieng-cuoi-1290.html
https://quanchieuvan.com/uploads/news/2022_09/z3702291642014_8accdb1fd395af71e9ac020acb5cc259.jpg
QUÁN CHIÊU VĂN
https://quanchieuvan.com/uploads/logo2.png
Thứ ba - 06/09/2022 23:45
Bài giới thiệu Tập truyện "Không nhặt được mồm" của Nhà văn Trịnh Đình Nghi do Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha viết.
Đanh đá. Đáo để. Giọng văn tưng tửng, trào phúng, trào lộng, ngoa ngôn…Moi móc mọi xó xỉnh cuộc sống những thói hư tật xấu cũng như những thật thà chất phác vừa để chê trách vừa để cảm thương. Văn phẩm “Không nhặt được mồm” của Trịnh Đình Nghi khiến người đọc được một phen cười “như Liên Xô”. Nhưng đằng sau nụ cười là nước mắt của tủi hổ, của cảm thông, chia sẻ….
Ghép lại từ nhiều mảnh đời, cảnh ngộ, tác giả đóng nhiều vai, khi thì là chủ thể, khi thì là khách thể. Nhưng ở vai nào thì cũng thốt lên được những éo le, những thân phận đời thường hôm nay. Họ là nạn nhân của mọi suy đồi, xuống cấp đạo đức của thời đồng tiền đang làm đảo lộn mọi giá trị, nhân cách. “Không nhặt được mồm” chính là lời cảnh tỉnh trước khi mọi thứ trở thành quá muộn. Một cái phanh gấp bằng nụ cười để cầu mong xã hội sẽ không gặp phải “tai nạn giao thông” trong hành trình thời đại 4.0 đầy thách thức.

Đọc Trịnh Đình Nghi, đằng sau nụ cười, ta luôn phải thay đổi tâm trạng. Đằng sau “ở trọ” là tiếng thở dài. Đằng sau “Sống như phim” là lời trách nhẹ. Đằng sau “Thể dục buổi sáng”, “Thánh mối”…là nước mắt rơm rớm. Rất nhiều đằng sau như thể chỉ để nhận diện ra một Trịnh Đình Nghi nhân văn và sâu sắc, diễu nhại hóm hỉnh mà nhân hậu bao dung.
Giọng điệu này cũng đã thấy nhiều trên thế giới, thường xuất hiện ở những chuyển giao các thời kỳ tiến hóa trong xã hội loài người. Gần đây nhất là A- Nê-xin. Hồi đó, tôi đọc “Những người thích đùa” và đã từng cảm thán:
“Nếu những cuốn truyện chỉ làm người ta khóc thì nhiều khi ở đó mới có nửa cuộc đời
Ở một nửa khác.
Tôi thấy Nê-xin cười
*
Nê-xin xa xôi
Chưa bao giờ chúng tôi gần anh đến thế
Chưa bao giờ chúng tôi cần anh đến thế
Như hôm nay không thể thiếu nụ cười
*
Nê-xin vẫn cười
Tôi đọc mãi anh và nhận ra giây lát
Trước tiếng cười là tiếng khóc
Trong tiếng cười có tiếng khóc
Và có lúc sau tiếng cười, tự nhiên người ta ứa nước mắt”.
(Nguyễn Thuỵ Kha)
Đó là bài thơ tôi viết năm 1982, đúng 40 năm về trước. Bây giờ vẫn có thể đem tặng Trịnh Đình Nghi sau khi đọc “Không nhặt được mồm” bằng cách thay tên Nê-xin bằng Trịnh Đình Nghi. Nê- xin cười thì Trịnh Đình Nghi cũng cười. Cười rất “Phớt Ăng Lê”.

Rồi mọi người sẽ đọc, sẽ cười với “Không nhặt được mồm” với những phúng dụ, ngoa dụ đến mức vô lý. Tôi đặc biệt ấn tượng và muốn chia sẻ bài tản văn ghi chép “dọc đường” mà tác giả hành trình từ Bắc Trung Bộ đến Trung Bộ từ thời chiến tranh đến nhiều năm đầu thời hậu chiến. Trịnh Đình Nghi trong tản văn này cho thấy anh là người đã hóa thân được thành mọi người dân thường ở mọi miền đất từ Vinh đến Quảng Nam. Cái hóa thân nhuần nhuyễn nhất là hóa thân vào phương ngữ của từng tỉnh. Anh không hề “pha tiếng” cợt nhả mà là chắt lọc từ những phương ngữ ấy sự tốt đep, sự thật thà, chất phác, hồn nhiên – cái phần cứng nhân phẩm của người miền Trung nói riêng và cả xứ sở chúng ta nói chung. Cái phần cứng bất biến, đáng tự hào. Cái phần cứng đủ làm sân bay để cho đất nước cất cánh, bỏ qua những phần mềm ỉ eo để bay đến tương lai phía trước tươi sáng trong thời cơ ngàn năm có một bấy giờ.
Tản văn khiến tôi thấy tác giả có lối tiếp cận rất riêng, rất độc đáo để ngợi ca cái mảnh đất như cái đòn gánh gánh hai đầu Nam - Bắc của đất nước, bằng cái giọng của chính mình. Một giọng văn xuôi. Nếu Hoàng Trần Cương đã từng ngợi ca mảnh đất này bằng những câu thơ: “Miền Trung - Eo đất này thắt đáy lưng ong - cho tình người đọng mật - Em gắng về đừng để mẹ già mong”, còn Thanh Thảo thì buột thốt: “Miền Trung tôi yêu đến dại khờ”.
Trịnh Đình Nghi ở ngoài những tưng tửng, lại lắng lòng với đoạn văn trữ tình như nước với sông Thạch Hãn lịch sử mà năm nay kỷ niệm tròn nửa thế kỷ “Mùa hè đỏ lửa”.
“Không nhặt được mồm” là cái tên hay và lạ cho một văn phẩm. Đọc vào càng thấy hay, càng thấy lạ, thấy riêng có của “cụ Trịnh” - cái tên vang danh văn đàn chứ không phải chỉ để cúng “phây” để “chém gió” trên “cõi mạng”.
N.T.K