HOA MAI – KHI BÀ NGOẠI “XÌ-TIN” LÀM THƠ THIẾU NHI
Tống Phước Bảo
2022-08-03T05:28:31-04:00
2022-08-03T05:28:31-04:00
https://quanchieuvan.com/tin-van-nghe/hoa-mai-khi-ba-ngoai-xi-tin-lam-tho-thieu-nhi-1267.html
https://quanchieuvan.com/uploads/news/2022_08/297337886_1184544542125303_4975676039546619815_n.jpg
QUÁN CHIÊU VĂN
https://quanchieuvan.com/uploads/logo2.png
Thứ tư - 03/08/2022 05:28
Hữu duyên hội ngộ chị ngay tại Hà Nội vào những ngày đầu tháng 7, nhận từ chị Tập thơ song ngữ “Khoảng trời của ngoại” mà bất ngờ. Hoa Mai đến với văn chương muộn, sau khi đã gieo neo thác ghềnh đời mình cho gia đình, con cháu. Ấy vậy, mà lần bén duyên trễ lại cắm rễ thật sâu, tựa thể văn chương chính là một ngã rẽ an lạc cho chính bản thân nữ sĩ. Thoảng khi hai chị em gặp nhau ở Sài Gòn vẫn cứ tíu tít nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, vòng vèo trăm nỗi ngàn niềm thì cũng dẫn về văn chương. Hoa Mai luôn tự nhận mình chỉ là “lòng tong” trong làng, thế nhưng với hành trình văn chương của chị thì hai chữ “lòng tong” lại là một sự khiêm cung quá thể.

Hoa Mai viết nhiều thể loại, đã từng ra mắt 2 tập thơ ghi đậm nét trữ tình nồng nàn; 1 tiểu thuyết huyền mị lấp lánh chính cuộc đời mình; 1 tập tùy bút gom góp những trải nghiệm của quãng đời bôn ba vào đó và bây giờ là tập thơ thiếu nhi song ngữ. Bấy nhiêu để đủ thấy cái đam mê và sự dấn thân của Hoa Mai với văn chương.
Tập thơ thiếu nhi “Khoảng trời của ngoại” như món quà dành tặng 2 đứa cháu thương yêu của chị, một món quà chữ trang trọng từ hình thức lẫn chất lượng nội dung. Tập thơ in giấy láng, màu, và dịch qua tiếng anh, vẽ minh họa sống động. Sự đầu tư của Hoa Mai trong tập thơ này là một điều quí bởi thi ca buổi thời đang ẩm ương. Mấy khi một tập thơ chỉn chu, sang trọng như thế này có dịp xuất hiện đâu, bởi sự đầu tư vật chất cho thơ là thứ đầu tư luôn làm ngao ngán lòng thi sĩ.
Nhưng, với Hoa Mai thì đáng để chị in cuốn thơ này, như chính chị chia sẻ khi chúng tôi ngồi lại bên nhau trong buổi tiệc vui, không hẳn là ra mắt sách, mà là cuộc tri ngộ của những người yêu văn chương. Cái đáng nhất chính là dành tặng riêng cho hai đứa cháu ngoại, thứ quà quí này của bà ngoại xì-tin tặng sẽ lưu dấu mai sau, in hằn vào trái tim cháu mình một tình thương trời bể. Vậy nên, Hoa Mai chẳng tiếc điều gì miễn nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của cháu, đó chính là điều mãn nguyện của bậc làm ông bà.
Tập thơ khiến nhiều người trong chúng tôi trầm trồ bởi nó đẹp. Đẹp từ cách trình bày, minh họa cho đến lối viết hóa thân như một đứa bé thủ thỉ những câu chuyện buồn vui của trẻ nhỏ. Hoa Mai thành công khi đem cái đẹp vô tư, hồn nhiên, trong trẻo ấy vào thơ. Những bài thơ ngắn, gọn, hài thanh, nhịp nhàng và giàu hình ảnh cuốn hút chúng tôi khi lật từng trang một. Phải yêu cháu lắm, phải chăm bẵm chúng bằng một suy nghĩ cùng chúng làm bạn thì sự hóa thân của Hoa Mai mới tự nhiên đến thế, không gượng gạo một chút nào.
“Có cây hoa giấy/ Ngoại trồng hiên nhà/ Hoa giơ tay vẫy/ Gọi nắng hiên nhà/ Cây mê bạn nắng/ Chẳng thích bóng râm/ Trả ơn bạn nắng/ Nở hoa rực hồng/ Mỗi sáng thức dậy/ Bé không có lười/ Cho cây uống nước/ Hết khát lá tươi/ Hiên nhà hoa nắng/ Đẹp như bức tranh/ Cây tìm ánh sáng/ Em tìm màu xanh.”
Trích – Cây vươn tìm nắng

Có thể thấy thơ thiếu nhi của Hoa Mai dễ thuộc bởi sự nhịp nhàng vần điệu, không gượng áp mà nhẹ nhàng truyền đi một thông điệp cho thiếu nhi. Thậm chí, ở tuổi của mình, để có những câu chữ trong trẻo thu hút độc giả nhí chắc chắn nữ nhà thơ phải có sự khắn khít và chịu khó làm bạn cùng cháu ngoại mình, mới có được những tứ thơ rất gần gũi, câu chữ đơn giản dễ hiểu phù hợp đúng với lứa tuổi thiếu nhi. Sự thấu cảm của một nhà thơ dung hòa cùng tình thương cháu của vị trí bà ngoại đã cho Hoa Mai những câu thơ khá hay không chỉ là câu chuyện riêng của cháu mình, mà chính là nỗi lòng của biết bao đứa trẻ khác.
“Bé kêu: con đã chán/ Người nhện với Siêu nhân/ Con nhớ cô nhớ bạn/ Nên miệng không muốn ăn/ Bốn bức tường con vẽ/ Kín những tranh loằn ngoằn/ Tủ nào cao cũng kệ/ Bắc ghế, con nhón chân/ Ngoại mua sách cùng bút/ Cho bé tập tô màu/ Mickey là con chuột/ Bé có thèm chơi đâu/ Anh hai làm người lớn/ Đóng cửa học online/ Bé đành đem đất nặn/ Một bầy giun thượng đài.”
Trích – Bond nhớ trường.
Hoa Mai làm tập thơ này trong phần lớn thời gian TP.HCM giãn cách xã hội của đợt dịch vừa qua. Những bí bách vây hãm nhiều người, nhiều thế hệ trong bốn bức tường. Nhưng có lẽ, với trẻ em thì đó là một sự ngột ngạt khó thể chịu đựng nổi. Với một người làm bà, chị đã bày ra nhiều trò chơi cho cháu, và từ dó, sự quan sát tỉ mỉ của chị đã khiến những câu thơ bắt đầu bật ra. Những câu thơ giúp chị đi qua quãng thời gian bức bí và cũng chính những câu thơ này, khiến những đứa cháu như tìm được sự đồng cảm từ người lớn. Chúng biết, mỗi hành động của mình luôn được người bà yêu thương ghi lại bằng những câu chữ nhịp nhàng vần điệu, đọc lên nghe vui tai, đọc lên như là một câu hát nào đấy rất dễ nhớ, dễ thuộc lòng và bập bẹ nghêu ngao suốt ngày. Thời điểm đỉnh dịch, rất nhiều gia đình đã phải ở yên trong nhà, nhiều thế hệ cùng sống chung suốt 24/24 tiếng trong ngày, ắt hẳn tâm lý sẽ dễ dàng phát sinh những cáu gắt hay mỏi mỏn, khác xa những lúc chúng ta được tung tăng tự do ra đường cho nhiều cuộc gặp gỡ để thanh lọc tâm hồn. Quả thật khi ấy, tâm hồn bí bách là thứ mà người ta đem lên mạng xã hội than phiền nhiều nhất. Ấy vậy mà với nữ sĩ, chính từ trong khoảng thời điểm trì trệ dễ phát sinh tiêu cực tâm lý thì Hoa Mai lại tận dụng để viết và tự thân thanh lọc tâm hồn mình bằng câu chữ. Những bài thơ nhỏ gọn xinh xắn này đã từng được đăng báo, đã từng được phổ nhạc. Niềm vui đến với chị ngay thời điểm ấy chính là liều vắc-xin tinh thần giúp chị đi qua tháng ngày đỉnh dịch một cách thong dong nhất.
Tập thơ thiếu nhi song ngữ “Khoảng trời của ngoại” lần này chứng tỏ mối lương duyên của Hoa Mai với văn chương thêm phần bền chặt và đậm đà nhất. Bởi văn chương không ở đâu xa, nó xuất phát từ những dung dị đời thường, từ những thân thương gần gũi, từ những mắt thấy tai nghe và cảm xúc dẫn dắt câu chữ tự khắc chạm đến trái tim bạn đọc. Thơ thiếu nhi không dễ làm để ra chất, nhưng cũng không khó nếu chúng ta biết gieo vào thơ những trong trẻo yêu thương, mầm xanh ấy sẽ đâm chồi thành những hoa thơm cỏ lạ. Với tập thơ “Khoảng trời của ngoại” một lần nữa, Hoa Mai, hay còn gọi “Bà ngoại xì-tin” ghi thêm một dấu ấn trên hành trình văn chương của mình. Tập thơ không chỉ như lời tựa là tặng cho hai cháu ngoại mình, mà thiết nghĩ là dành tặng cho bất kì những đứa trẻ nào cũng được, bởi ở đó luôn có những yêu thương ngập tràn trong căn nhà hạnh phúc.
T.P.B