MỘT CUỘC THI TRUYỆN NGẮN, MỘT DẤU ẤN VĂN CHƯƠNG - Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Thứ tư - 15/04/2020 11:20

Chưa bao giờ, thời gạo châu củi quế, thời đồng tiền sấp ngửa lại có quá nhiều các cuộc thi văn chương cấp câu lạc bộ, cơ quan, ban ngành, địa phương, và quốc gia như hiện nay. Giữa lúc thời sự văn học và cuộc sống có quá nhiều dư luận khác nhau, thì thêm một Cuộc thi truyện ngắn Quán Chiêu Văn có điều gì đáng nói? Có chuyện gì đáng bàn? Và có cần thêm một cuộc thi nữa không?

Đó là các câu hỏi hoài nghi ban đầu của tôi lúc chưa đọc Chung khảo Cuộc thi truyện ngắn Quán Chiêu Văn.

Thế rồi, đi từ bất ngờ này, đến bất ngờ khác, tự mình cũng tìm ra câu trả lời. Quán Chiêu Văn với cuộc thi truyện ngắn không còn là của một nhóm, một câu lạc bộ nữa, mà đã tiến tới gần, tới sát các cuộc thi quốc gia.
Có nghĩa là nó đã thoát khỏi tình trạng nghiệp dư, quần chúng, để tiến tới chuyên nghiệp. Văn chương không chỉ là cuộc chơi, mà còn là lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo.

Đó cảm nhận đầu tiên của tôi, khi đọc xong 67 tác phẩm chung khảo Cuộc thi Truyện ngắn Quán Chiêu Văn năm 2019 - 2020.
***
Vậy thì Cuộc thi truyện ngắn Quán Chiêu Văn 2019 - 2020 có điều gì để nói?
Trước hết, cuộc thi bao quát, phạm vi toàn quốc chứ không phải vùng miền, hay khoanh lại trong một ngành, một địa phương.
Có nhiều tác giả ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng có các tác giả ở Nghệ An, Đà Nẵng, Huế, Cà Mau, Cần Thơ, Lai Châu, Hà Giang... và cả bên ngoài biên giới Việt Nam.

Đề tài cuộc thi không chỉ phản ánh số phận con người, đất nước, tình yêu, cuộc sống, đấu tranh giữa thiện - ác, tốt - xấu, mà còn cả chiến tranh, an ninh xã hội, hội nhập thời kinh tế thị trường...

Có thân phận người bé bỏng trong cơn lũ người sấp mặt, mưu sinh, tranh giành, thoán đoạt ở mỏ vàng miền núi như “Đêm ngủ thăm” của Tiến Dũng, lại có chuyện chan sầu, chan buồn thăm thẳm của kiếp người con gái tha hương lấy chồng ngoại quốc như “Bông bần rụng trắng bờ sông” của Văn Ngọc Trúc Chi.
Có tác phẩm dữ dội, gai góc, nặng tựa trái núi đè ngực như “Góc khuất” của Trần Thị Minh, thì lại có truyện hồn nhiên, trong vắt tuổi học trò như “Cây bàng kể chuyện” của Nguyễn Thùy Dương.
Có truyện vá lành vết thương li dị bằng một “Quán cà phê hậu ly hôn” của Phương Lan, nhưng lại có tình yêu tựa hơi thở nhẹ như truyện ngắn “Chị ơi... anh yêu em” của Trần Lực.
Có truyện day dứt, dày vò, ân hận bởi thói sĩ diện đẩy người thân vào cô đơn quặn thắt như “Lời nguyền bằng lăng” của Nguyễn Đình Hạnh, nhưng lại có truyện sống đẹp, nhân hậu như “Mẹ sẽ mỉm cười” của Nguyễn Thu Hà.
Có truyện ngắn hư ảo, liêu trai như “Người trong mộng” của Mai Thị Hồng Quế, lại có tác phẩm da diết, tinh tế như truyện ngắn “Bông hoa nở cuối mùa” của Nguyễn Đình Ánh.
***
Có thể nói thành công lớn nhất của các truyện ngắn dự thi Quán Chiêu Văn là không chỉ phản ánh, tái tạo hiện thực, mà còn nghĩ ngợi về hiện thực.
Có nhiều tác phẩm đã vượt qua lối kể tả đơn giản, thông thường, mà vươn tới chiều sâu chiêm nghiệm.
Cũng không ít truyện ngắn đạt đến cái hay, cái sinh động, tươi xanh, hấp dẫn và giàu tính chuyên nghiệp.
Con người bị đẩy vào hoàn cảnh nghiệt ngã, và cách thoát khỏi, không chịu đầu hàng số phận, sống nhân ái nhân văn là ý tưởng chủ đạo trong truyện ngắn “Lanh” của Dương Giao Linh. Tác giả tỏ ra có nghề, cấu trúc truyện chặt chẽ.
Chuyện có triết lý tôn giáo đạo đời, nhân quả phải ghi nhận tác phẩm “Tiếng chuông ngân” của Vũ Thị Thanh Hương. Cái ác không chỉ bị lột mặt nạ, phơi bày trừng trị theo quy luật ác giả ác báo, mà cái ác cũng quỷ quyệt, tiêu diệt nó không dễ. Truyện ngắn của Vũ Thị Thanh Hương có cấu trúc hợp lý, có kịch tính gây hấp dẫn cho đến dòng cuối cùng.

Thông điệp “hồng nhan bạc phận” lại trở về với “Miền trăng ký ức” của Nguyễn Thu Hằng. Câu chuyện tình xa gần lãng mạn, đời người con gái buồn, khắc khoải, day dứt cả với người trong cuộc. Văn của Nguyễn Thu Hằng đẹp, một vẻ đẹp cổ điển quen thuộc mà không cũ mòn.

Nghệ thuật không chỉ vị nghệ thuật, mà nghệ thuật còn vị nhân sinh. Người ta chỉ đi tìm, chỉ quan tâm đến điều gì có ý nghĩa, có liên quan đến mình. Nghệ thuật làm cho người ta hy vọng mà sống, mà tìm kiếm. “Họa Khói” của Lê Văn Thân là cuộc tìm kiếm bất tận ý nghĩa cuộc sống trong hiện thực và nghệ thuật. Câu chuyện hấp dẫn và sinh động được dàn dựng công phu, sắp đặt kín đáo, lại có cái lấp lửng, đánh đố, kích thích tính tò mò của người đọc.
Vinh quang, chiến thắng của người này, thì tội nghiệp, cay đắng của người kia. Người con gái như là một công cụ, một trò chơi của đám đàn ông. Nhân vật “Tửu nữ” của Đinh Thành Trung được đẩy đến tận cùng...để rồi bừng sáng.
Con người tưởng như vứt đi, đã như ngọn đèn dầu lụi dần, bùng cháy lần cuối cứu người. Nhân vật Lê cũng là một đốm sáng nhân văn làm cho truyện bớt lạnh lùng, buốt giá. Giọng văn giàu khí lực. “Tửu nữ” là một truyện ngắn lạ, và độc đáo.

Tạo hóa bất công, nhưng trời đất không tuyệt đường ai. Nỗi bất hạnh của chàng lùn và cô gái mù là bất công của Tạo hóa. Cuộc sống của họ bấp bênh, tạm bợ, dật dờ cũng như số phận long đong của đoàn xiếc rong vậy. Cả hai nhân vật đều không biết cha mẹ, cô gái mù còn bị cưỡng hiếp là tận cùng của sự khổ đau. Tưởng là vô cảm, lạnh giá khi cuộc sống bạc đãi. Nhưng, đằng sau cái vẻ bề ngoài dị dạng xấu xí, đằng sau bất hạnh tật nguyền là tâm hồn cao đẹp của người tốt là thông điệp của truyện ngắn “Thằng hề” của Phạm Hà. Cái kết có hậu giàu nhân văn, ấm áp, hạnh phúc như được đền bù cho số phận người hẩm hiu, thiệt thòi tật nguyền. Tác giả dẫn dắt người đọc đi từ bức bối, đau đớn, xót xa đến cảm xúc hân hoan, vỡ òa hạnh phúc. Văn Phạm Hà sắc sảo, sâu sắc, nhìn đời tinh quái, bên một tấm lòng nhân ái là một trái tim nhân hậu.
***
Cuộc thi truyện ngắn Quán Chiêu Văn 2019 - 2020 đã khép lại. Còn nhiều tác phẩm, tác giả khác giàu triển vọng, mà vì khuôn khổ bài tổng kết, không được nêu ra, chứ không phải là bỏ sót. Bỏ qua một số tác gải viết đơn giản, dễ dãi, thậm chí chỉ kể một mẩu chuyện, chứ chưa viết thành truyện ngắn, thì cuộc thi văn chương này, cũng đã tập hợp được một đội ngũ viết văn (có người đã là tác giả) thật đông đảo, gây chú ý trong dư luận.

Quán Chiêu Văn đã và đang làm một việc có ích là ươm mầm, phát hiện, giới thiệu các cây bút tiềm tàng còn e ngại, còn lẩn khuất trong dân gian,... phát lộ và đến với nền văn học nước nhà. Từ cái nôi Quán Chiêu Văn, và từ bệ phóng cuộc thi này, dừng lại như một cuộc chơi hay đi tiếp hoàn toàn thuộc về nhu cầu tự thân mỗi tác giả. Đường dài còn lắm gian truân, nhưng chân trời mới vẫn đang vẫy gọi.

Cuối cùng, tôi xin nói thêm điều này: Chỉ cần điểm tên các tác phẩm vừa kể trên, tập hợp lại cũng in được một tập truyện ngắn hay, đặc sắc, rất đáng đọc trong tình hình in ấn tác phẩm văn học đang hỗn loạn hiện nay.
S.N.M

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LỜI NGỎ

  Hội nhóm Quán Chiêu Văn là nơi dành cho những người yêu thích văn chương và viết lách lui tới giao lưu sinh hoạt và chia sẻ cùng nhau về sở thích. Thành viên tự nguyện tham gia, không phân biệt vùng miền, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và vị trí công tác... Tất cả thành viên đều...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Quán Chiêu Văn?

Thống kê
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay2,493
  • Tháng hiện tại48,333
  • Tổng lượt truy cập4,217,663
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây