BÚT KÍ TÀ XUA
Tống Phước Bảo
2021-11-16T11:04:05-05:00
2021-11-16T11:04:05-05:00
https://quanchieuvan.com/trai-nghiem-goc-nhin/but-ki-ta-xua-1184.html
https://quanchieuvan.com/uploads/news/2021_11/unnamed_2.jpg
QUÁN CHIÊU VĂN
https://quanchieuvan.com/uploads/logo2.png
Thứ ba - 16/11/2021 11:04
Bút kí của Mai Ánh
Đến bây giờ tôi vẫn đang tự hỏi liệu rằng quyết định đặt chân lên Tà Xùa là có thật sự đúng đắn hay không?
Lần đầu tiên tôi tới với một vùng đất lạ mà bản thân không biết gì về nó, lần đầu tiên đặt chân tới mảnh đất ấy tôi mới vội vàng lên mạng gõ ra hai chữ “Tà Xùa”.
À hóa ra đây là một xã vùng cao của huyện Bắc Yên, nơi đây được mệnh danh là “Thiên đường mây”, quê hương của “Chè Tà Xùa nổi tiếng”. Những dòng chữ chỉ dẫn khi đến tới Bắc Yên đã nói cho tôi biết đôi nét về Tà Xùa, với tôi khi tới đây chỉ cảm nhận được một thứ - đó là lạnh.
Ngược về thời gian bắt đầu hành trình, chúng tôi lái xe máy từ thủ đô Hà Nội ngược lên phía Bắc, đi qua Ba Vì rồi ngược lên mảnh đất Phú Thọ. Thanh Sơn là thị trấn đầu tiên của Phú Thọ mà bánh xe của chúng tôi lăn tới, những biển quảng cáo “Bún thịt chó, xáo chó, nhựa mận,...” xuyên suốt cả dọc đường. Đi qua Phú Thọ quả là một chặng đường dài, xuyên núi vượt cầu, lẻn mình vào giữa những rừng cây rậm rạp và cho đến khi qua mảnh đất này chúng tôi cũng lại được một quán “Bún thịt chó” tạm biệt.

Những cung đường đèo núi, những con dốc cao chót vót khiến chúng tôi phải vít mạnh tay ga, rồi lúc chốc lại là những khúc cua xuống dốc bắt chúng tôi đạp chân phanh, bóp tay phanh thật ác liệt. Trời sẩm tối, những chuyến xe đêm chở than, sỏi, gỗ rừng bắt đầu bật đèn, lóe lên thứ ánh sáng chói cả mắt, rợn cả sống lưng. Lúc lướt qua những gã khổng lồ kinh hoàng ấy tôi chỉ biết niệm Phật, xin trời mà đi chứ mắt có nhìn thấy cái gì nữa đâu. Cứ thế, cứ thế, chúng tôi đi tới Sơn La, qua Phú Yên và đến tới thị trấn Bắc Yên. Ôi một lòng can đảm hay là một sự liều lĩnh?
Chúng tôi dừng lại đổ xăng tại cây xăng trung tâm thị trấn, lúc ấy khoảng 9 giờ tối. Chị gái bán xăng khuyên chúng tôi nên nghỉ chân lại dưới thị trấn rồi sáng sớm mai hãy tiếp tục chuyến đi vì muốn lên tới Tà Xùa chúng tôi phải vượt thêm 14km đường núi nữa. Nhưng than ôi! Cái sự ngông nghênh của tuổi trẻ đã đốc thúc chúng tôi tiếp tục lên đường. Thời tiết dưới thị trấn đã lạnh rồi nhưng cho đến khi lên đến lưng chừng núi cao cái lạnh mới bắt đầu thấm vào da thịt. Từng đám sương mù quấn chặt lấy chúng tôi nó khiến con đường đèo dốc ấy càng trở nên mù mịt. Giây phút ấy, tôi thật sự sợ hãi, sự ngông nghênh đã chạy đâu biến mất trong tôi. Tôi nghĩ dại trong đầu lỡ như tôi sẽ chết ở nơi đây, chết dưới vực núi này, chết vì lạnh bởi thời tiết khắc nghiệt và nếu chết thì có lẽ sương mù ở lưng núi Tà Xùa này sẽ thay nhang đèn mà lo hương khói cho tôi. Tinh thần tôi đã chùn bước đến mức như vậy nhưng cánh tay tôi thì vẫn một mực dơ ánh đèn flash lên mà soi đường, vẫn khát khao chinh phục đỉnh Tà Xùa mặc dù chẳng biết nơi ấy ra sao.
9 giờ 35 phút, chúng tôi lên được tới trung tâm Tà Xùa. Lúc này nhiệt độ hạ xuống còn 2 độ C. Cái tuổi 20 hừng hực sức trẻ này của tôi chưa bao giờ biết cái lạnh cắt da, cắt thịt nào như thế, tay chân tôi đông cứng lại, hai hàm răng đập cầm cập vào nhau. Nước mắt, nước mũi thi nhau mà rơi xuống, nước mũi nhỏ xuống đến đâu trung nhân của tôi lại đau rát đến đấy, mà lạ lắm suốt cả chặng đường chỉ có mắt bên trái là rơi nước mắt, rơi rất nhiều hệt như khi xem phim Hàn Quốc vậy, không biết có phải là điềm báo gì không? Cái lạnh giá cũng khiến tôi mặc kệ đi tất cả, tôi mặc kệ khung cảnh đêm của Tà Xùa tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi và nằm trong chăn ấm. Bù lại cái lạnh ấy chúng tôi được nhâm nhi chút rượu táo mèo cùng với một nồi lẩu gà rau rừng, thứ rau đắng ngắt khó ăn ấy thế mà khi nhâm nhi cùng với rượu cay nồng cũng bon mồm bon miệng phết, cơ thể cũng như được xoa dịu thêm một chút.

Đêm xuống Tà Xùa lạnh -1 độ C. Chúng tôi nghỉ chân tại trung tâm Tà Xùa.
Sáng sớm tại đây dù có đang ở nơi núi cao nhưng sương mù cũng làm cho mặt trời uể oải. 6 giờ sáng hậu duệ trời cao vẫn chưa ló mặt, ông thần ấy còn dậy muộn hơn cả chúng tôi. Và lạ thay, mọi thứ đang đóng băng, thứ mà dưới xuôi chúng ta thấy vào buổi sáng là sương sớm nhưng ở Tà Xùa thì là băng giá. Cái thứ mà vốn dĩ chỉ xuất hiện trong tủ lạnh ở nhà tôi, tôi đang ở nơi có nhiệt độ âm như tủ lạnh và có lẽ tôi cũng đang như con cá, con gà nào đó đang đông cứng dần dần. Chúng tôi đun một ít nước nóng để ăn bát mì cho ấm bụng, ấy vậy mà chỉ 1 2 phút cái thứ nước 100 độ C bỗng chốc lạnh ngắt, buốt cả răng. Ăn tạm để còn tiếp tục lên đường.
Tôi nghe phong phanh rằng chúng tôi sẽ lái xe 12km tiếp theo để lên đến “Sống lưng khủng long” săn mây gì đó, nơi đây là lý do to lớn nhất để người ta vất vả đặt chân lên mảnh đất Tà Xùa này. Chúng tôi mặc một bộ áo mưa mỏng để tiếp tục lái xe đi nhưng trong tâm trí của một người lơ thơ như tôi, tôi lại nghĩ ta đang khoác lên cho mình một bộ giáp sắt cưỡi lên con ngựa sắt chinh phục đỉnh cao thiên nhiên, mảnh đất hoang sơ mang tên Tà Xùa. Nhưng có vẻ mảnh đất này làm chúng tôi vất vả hơi nhiều, sương mù vẫn giăng kín lối, mờ mịt cả đường đi. Đồng nghĩa với sương thì là đường ướt, nó ướt nhẹp như đường đất mưa phùn dưới xuôi. Đất đỏ, sương ướt, đá đèo chúng hòa trộn vào nhau mà thử thách vó chiến mã sắt của chúng tôi. Có những khúc cua một bên là núi, bên kia là vực, giữa đường là xe tải ì ạch chở đá xuống núi. Lách xe, vượt sỏi đá, táp qua sương mà phóng lên quả là mưu thời, thế lợi vượt gian khó.
Nhưng ôi nào có thấy “Sống lưng khủng long” nào đâu, lên đến đỉnh cũng toàn sương mù là sương mù. Trong các bộ phim thuở bé thường xem thì thiên đình là nơi tràn đầy khói sương mơ ảo, nếu khói sương ấy cũng lạnh lẽo như sương giá nơi đây thì tôi xin chịu không làm thần tiên đâu. Thôi thì đằng nào cũng đã lên, chúng tôi ghé vào một quán cafe mà ai đến đây cũng tới để ngắm cái sống lưng ấy. Quán cafe có cái tên đậm nét người H’mông “Y Xoa” nhưng cái khiến tôi đặc biệt nhớ tới là anh chủ quán bất cần khách, anh chào chúng tôi rồi cứ ngồi đấy nghe nhạc chứ cũng chẳng hỏi chúng tôi sẽ uống gì. Khi chúng tôi ngó qua menu hơi “nghèo nàn” của quán, định bụng sẽ gọi một cốc cacao nóng uống cho ấm người nhưng anh chủ kêu “Cacao hết rồi” bằng thứ tiếng Kinh lớ lớ, nghe thật đáng yêu. Thôi thì đổi sang trà gừng vậy nhưng anh cũng lắc đầu kêu hết và bảo rằng chỉ còn cafe fin thôi, thứ cafe đắng chát ấy thì chị em phụ nữ chúng tôi uống kiểu gì. Chúng tôi không gọi đồ uống nữa anh chủ cũng chẳng cần cứ ngồi lắng tai nghe những bản nhạc Mông, tiếng nhạc ấy thật hay nhưng nghe thật não lòng. Tôi tự hỏi không biết lòng anh có đang buồn bã điều gì không mà đến tiền anh cũng chẳng cần như thế?

Trong quán cafe ấy không chỉ có anh chủ buồn mà chú chó vàng trong quán cũng buồn, có lẽ nó buồn vì lạnh. Chú chó cỏ nhỏ bé nằm cuộn tròn bên bếp lửa, run từng nhịp, từng nhịp. Nó buồn đến nỗi khách vào nhà cũng chẳng thèm ngoe nguẩy cái đuôi, người như tôi mặc đến 5 6 lớp áo vẫn còn thấy lạnh còn chú chó nhỏ một mảnh vải cũng chẳng có để phủ lấy bộ lông vàng. Ngồi ngắm sống lưng trong tưởng tượng từ “Y Xoa” mãi, chúng tôi cũng lắc đầu chán nản vì sương mù không tan. Đành tạm biệt anh chủ quán cafe và chú chó vàng để xuống núi thôi.
Đổ dốc xuống nhưng hương thơm của ngô nướng, khoai nướng, xôi sắn,... và tiếng gọi mời lơ lớ của những anh chị người Mông lại tiếp tục níu lấy bánh xe chúng tôi. Nào thì quay xe để ăn bắp ngô cho ấm bụng nào, chúng tôi ghé vào quán nướng nhỏ ven đường của chị Thào Thị Nanh, bà mẹ trẻ với hai thằng con trai nhỏ. Chiếc bếp nướng của chị đơn sơ với một cái kiềng dài và khúc gỗ to đang âm ỉ cháy, trên bếp có vài quả trứng gà ta, tám bắp ngô nướng, một nồi xôi sắn và vài xiên thịt nướng thơm, chị trêu chúng tôi rằng muốn thịt nướng ngon thì phải ướp thêm xíu lá ngón thì mới tuyệt vời. Chị giới thiệu đúng ra là có thêm cả khoai mật nướng nhưng hôm nay chị lại bán hết mất rồi, quả thật đáng tiếc.
Hai thằng bé con chị mặt đứa nào đứa nấy cũng nhọ nhem, thò lò nước mũi, quần áo thì chắp vá, mỏng manh, chân trần lấm lem bùn đất, miệng chúng nó cứ một câu “mệ” hai câu “mệ ơi”. Nếu tôi là hai thằng nhỏ thì chắc câu tôi kêu là “lạnh” chứ không nói được câu nào nữa. Chúng tôi có hỏi tại sao lũ trẻ lại không đi giày dép vào, chị Nanh cười vui vẻ bảo rằng chúng nó đã quen rồi, có bắt chúng nó đi giày thì tí lại cởi ngay ra ấy mà. Thằng con trai lớn của chị năm nay đang học lớp một nhưng trộm vía trông cũng phổng phao, lớn lắm chứ không còi cọc như hình ảnh tôi đã từng nghĩ về trẻ con vùng cao. Trong lúc đợi chị nướng ngô, khói từ bếp khiến tôi cay mắt, đôi mắt tôi đẫm nước lim dim ngó nghía xung quanh, tôi vội cầm bút viết ra vài dòng thơ ghi chép lại cảm xúc.
Khói bếp lửa rực cay xè đôi mắt
Bắp ngô tươi mệ em nướng than hồng
Bước lon ton em bé nhỏ người Mông
Cười vui tươi, chân trần không biết lạnh
Đỉnh Tà Xùa suốt bốn mùa hiu quạnh
Có mây mù làm bạn với màn sương
Sức bình sinh dựng em lớn phi thường
Như cỏ lau nở giữa mùa băng giá.

Phải tới đây tôi mới biết được sức bình sinh của con người mạnh mẽ như thế nào, để sống họ buộc phải chấp nhận và thích nghi. Những đôi vợ chồng ở đây cũng tình cảm lắm, chị Nanh kể về chuyện tình của chị và người chồng hơn chị 5 tuổi. Chị và anh chồng cũng có yêu đương, tìm hiểu chứ không phải đi cướp vợ như phong tục cổ xưa. Chị cũng lên án phong tục cướp vợ của chính dân tộc mình, nhiều khi bị bắt đi cũng chẳng biết mặt chồng mình là ai. Trình ma nhà người ta rồi thì sống là người nhà họ, chết là người nhà họ chị Nanh nghẹn ngào tâm sự với chúng tôi. Ngô trên bếp cũng đã chín, nóng hổi thơm nức, hạt mẩy đều nhau tăm tắp. Từ ngày Tà Xùa nổi tiếng người dân ở đây cũng phát triển kinh tế nhiều hơn, nhà thì đi bán hàng, nhà thì xây nhà nghỉ, chị Nanh bán đồ nướng thôi mà mỗi tháng cũng có tầm 5 triệu để trang trải cuộc sống. Kể ra cũng mừng cho người dân H'mông nơi đây. Tạm biệt chị Nanh và những bắp ngô nóng hổi, chúng tôi tiếp tục hành trình đổ đèo xuôi xuống núi.
Ngắm khủng long không thành, săn mây cũng chẳng xong lại còn phải chịu cái lạnh tái tê, môi thâm tím tái. Tôi bắt đầu hối hận. Nhưng đâu phải hối hận không thôi chúng tôi còn phải tiếp tục lái xe máy hơn 200km để trở về nhà. Lại trở lại với những cung đường đèo núi, quay đầu về Bắc Yên, Phú Thọ, Ba Vì,... lại gặp lại những gã quái vật xe tải. Tôi hối hận thật rồi… Nhưng chuyến đi lại giúp bản thân tôi có thật nhiều cảm xúc, một đứa con gái nhút nhát chẳng dám lái xe ở Hà Nội lại phi xe leo đèo, vượt núi bằng một sự nghị lực phi thường. Tà Xùa cho tôi biết thế nào là băng giá, là sương mù, là cái lạnh thấu xương. Và tôi cũng dần khám phá được sức bình sinh tồn tại trong con người bản địa nơi đây và cả sức mạnh bên trong chính bản thân mình nữa.
Tôi hối hận khi lên Tà Xùa nhưng tuổi trẻ của tôi thì không bao giờ nuối tiếc!