BÁNH BIẾN LÀNG VĨNH

Thứ sáu - 12/08/2022 04:56
Tạp bút của Trần Hải 

"Bát nước chè xanh cũng ngọt tình làng Vĩnh. Bịn rịn vỗ về những bậc cầu Dinh".

Câu ca xưa đồng bãi vẫn lưu luyến, níu chân người xa quê mỗi khi nhớ về một miền dấu yêu xưa cũ. Đất và người làng Vĩnh (Vĩnh Thành, Yên Thành) chân chất, mộc mạc mà đằm sâu như vẫn vậy bao đời. Là xứ lúa đã đi vào định nghĩa "Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống", nên sản vật từ hạt lúa tảo tần cũng theo mãi bước người đi. Mỗi độ có việc họ, việc làng, món bánh biến đơn sơ cùng mâm cỗ cúng là một chút thảo thơm dâng tổ tiên của người quê lúa, như bao đời nay vẫn vậy.

Bánh biến (hay còn gọi là kẹo biến) là món quà quê chân chất đã có tự bao giờ. Chỉ biết dịp lễ lạt, bánh biến cũng góp mặt trong mâm cỗ, dường như không thể thiếu. Nghe các bà, các cụ kể lại, cũng không khó để làm bánh biến, nhưng chẳng vì thế mà thiếu vắng đi mảnh hồn lúa này ngày lễ. Món quà quê không bán, cũng chẳng mấy khi làm, chỉ dành để cúng, để biếu nhau.

 
298575574 2332000993631126 4019941459953966216 n

Để làm bánh biến, xưa các cụ hay tỷ mẩn chọn cho được nếp rồng đặc sản. Nay, đồng ruộng thêm nhiều giống nếp mới, các bà các o cũng ít cầu kỳ hơn trước, nhưng vị ngọt mật mía, của thơm cay củ gừng sau vườn giã nhỏ, vị bùi của lạc quê thì vẫn vậy. Ngày có việc họ, làm mâm, người mẹ quê thường dậy sớm hơn, khi hơi sương chưa tan ngoài ngõ tre.

Làng Vĩnh có đồng Cửa Nghè, đồng Phủ giáp bên xã Viên Thành là nơi có nhiều giống lúa trứ danh xưa nay. Giờ đây, thêm nhiều giống mới, nhưng vị cũ dường như vẫn khó quên. Cân thóc nếp khô được lựa cẩn thận tối qua nay đem luộc chín bằng củi, bằng rơm bãi. "Phải có hơi củi cành, hơi rơm, ló (thóc) hắn mới thơm, mới đượm mùi cháu ạ". Là bà tôi bảo vậy, mà ngửi mùi khói củi, mùi rơm khô đượm lửa cũng thú hơn khi vị giác đã cũ mòn vì ngọn lửa bếp gas xanh lét phố phường.

Hạt thóc nếp được luộc vừa "nảy vỏ", tức là đôi mảnh trấu vàng mới nứt nhẹ, hé màu trắng hồng của hương nếp e ấp bên trong thì dụi bếp. Mớ thóc "nảy vỏ" được đem phơi. Thuận nhất là trời có chút nắng hanh để thóc se khô, nếu không, đành sấy qua trên bếp. Khi thóc nếp đã khô hẳn, người quê đưa vào giã bằng cối đá. Ở làng Vĩnh Tuy quê mình trước có cố Lự chuyên làm cối lấy từ đá lèn Vĩnh Tuy. Hầu như cả làng đều dùng cối do cố làm. Năm tháng dãi dầu, lòng cối mòn đi nhưng vẫn trầm đục tiếng chày như một mảnh hồn làng. Nay, người đặt cối không còn nhiều, cố Lực và con trai chuyển sang đục bể cá cảnh, chậu hoa, phiến kê cột nhà...để đỡ nhớ nghề xưa.

 
40da0f09b2dea3c5c64f18b41de959ed

Thóc được giã đều, những sàng, những sảy lại được đem ra để làm một cuộc "can qua" cho hạt nếp rời đôi tấm vỏ trấu đã giữ gìn, bảo bọc mình từ hoài thai đời lúa mà ra hẳn với đời, chuẩn bị dâng hiến những thảo thơm ngậm giữ trong lòng.

Bây giờ ít người làm vậy nữa, người ta đem ra đầu làng, nơi có mấy chiếc máy xay xát của nhà anh cu Hữu cho nhanh mà tiện, đỡ công tỷ mẩn. Mớ nếp qua thăng trầm giã, sàng được đưa lên rang. Tay bà, tay o lại khéo đảo cho đều để hạt gạo nở dậy, chín đều đoạn tãi ra trên nia cho vợi bớt hơi nóng. Lạc nhân cũng đã được rang chín, bung vỏ lụa, ủ vảo bao tải cho dòn. Mấy nhánh gừng quanh giếng rửa sạch, giã nhuyễn. Chai mật mía cất kỹ giờ được đưa ra, cho vào nồi cô kỹ.
"Cô mật đến khi mô mà lấy đũa vén một giọt, thả vô bát nước lạnh, mật vẫn tròn hột, không tan ra là được anh cu nà!". Mự Thứ vừa đảo nhanh nồi mật, vừa bảo tôi. Rồi mự giảm lửa, cho gừng, lạc, cốm nếp vào đảo đều. Tấm lá chuối đã sẵn sàng trên nia chờ tay mợ đổ món này lên, dàn phẳng bằng một cái chai. Khi bánh đã hơi nguội, dùng dao xén thành từng miếng ngắn dài tùy ý. Đợi cho khô hẳn, mật đã se không còn dính tay, ấy là lúc xếp lại cho lên mâm cỗ được rồi.

Cũng chẳng cầu kỳ, không phải tốn nhiều thời gian. Những thứ góp mặt làm nên bánh biến đâu có xa lạ với quê lúa hiền hòa. Vậy nhưng, mỗi kỳ "Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng", cùng mâm cỗ cúng được các bà, các o kĩu kịt đôi quang gánh hay được đội lên đầu nghiêm cẩn, bánh biến quê lại cùng mâm xôi, con gà, đĩa trầu cau hội về nhà thờ họ mà thành kính nhớ ơn tiên tổ trong trầm mặc khói hương.
T.H

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI NGỎ

  Hội nhóm Quán Chiêu Văn là nơi dành cho những người yêu thích văn chương và viết lách lui tới giao lưu sinh hoạt và chia sẻ cùng nhau về sở thích. Thành viên tự nguyện tham gia, không phân biệt vùng miền, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và vị trí công tác... Tất cả thành viên đều...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Quán Chiêu Văn?

Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay2,307
  • Tháng hiện tại48,147
  • Tổng lượt truy cập4,217,477
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây