TRÁI BÌNH BÁT QUÊ NHÀ

Thứ bảy - 13/08/2022 05:42
Tạp bút của Doãn Kim Hùng

Phải nói ngay rằng trong đời sống người bình dân miền Tây Nam bộ có loại cây rất quen thuộc có tên là bình bát.

Bình bát là một loại cây hoang thường mọc theo bờ kênh rạch, đầm lầy. Quê nội của tôi có rất nhiều cây ấy, vì nước đầy kênh rạch quanh năm. Ngược lại, quê ngoại thì rất hiếm, bởi mực nước giữa “mùa khô” và “mùa nước nổi” cách nhau đến vài mét. Cây bình bát không thể sống mùa nắng hạn khô cằn ruộng đất.

Loại bình bát thân gỗ cao khoảng năm, ba thước tây. Lá đơn, mọc so le, lá có mùi hôi đặc trưng. Vùng đất thấp ven sông, có nhiều phèn, cùng với khí hậu nóng ẩm là điều kiện để cây bình bát – một loại cây hoang mọc đầy, tạo nên một màu xanh ngát cả vùng.

Cây bình bát thường được làm củi đốt. Người bình dân thường đốn bình bát về ngâm, bỏ lớp da ngoài, lấy lớp da trong làm dây bện thắt thành những chiếc võng đưa, vừa dai, vừa chắc. Bình bát trổ bông màu trắng, cánh hình trái tim. Bông cho trái non màu xanh,đến khi bình bát chín trái ngả sang màu vàng tươi. Trái chín gặp cơn gió nhẹ là rụng xuống đất.

Ngày trước, người bình dân quê tôi sống chủ yếu bằng kinh tế tự túc tự cấp. Đặc trưng cơ bản của cuộc sống ấy đó là kiếm được gì ăn nấy. Trẻ con lâu lắm mới được vài miếng bánh hay vài viên kẹo mẹ đi chợ về mua cho. Còn lại, cứ mỗi sáng ngày lũ nhóc chúng tôi lại chạy ra vườn, dọc theo bờ kênh, mé rạch lượm bình bát chín bẻ ra ăn ngay vừa ngọt vừa có mùi hôi hôi đặc biệt.

Đất vườn nhà tôi ngày xưa nằm cặp bờ sông. Hàng ngày các phương tiện giao thông thủy qua lại tấp nập. Những đợt sóng vỗ vào bờ “oàm oạp” liên tục đã khiến bờ đất bị xói lở đáng kể. Nghe người thân hiến kế, ông tôi mang những cây bình bát con về trồng nơi mé sông. Khoảng 4 – 5 năm sau những hàng cây bình bát vươn lên xanh tốt, rễ bám sâu vào lòng đất, tỏa bóng râm mát nơi bờ sông, trông thật nên thơ.

 
298880635 5140205696087964 3617468459381225976 n

Hàng ngày khi rảnh rỗi, anh em chúng tôi thường ra đây chơi trò chơi nhà chòi, nhảy dây, đá banh... và khi chiều đến trải chiếc chiếu xuống dưới rặng cây này ngồi ăn cơm và ngắm nhìn những ghe xuồng qua lại trên sông.

Ngoài việc làm củi và làm cây chắn sóng, vỏ cây bình bát còn làm võng rất bền chắc mà ít người biết đến. Chỉ cần chặt những nhánh thẳng đem xuống sông ngâm nước cho lớp da bên ngoài nhũn, cạo bỏ lớp da mềm bên ngoài, lấy lớp da bên trong đem phơi khô, đánh tơi thành sợi đan thành những chiếc võng rất êm ái khó có loại dây nào sánh kịp. Còn trái bình bát chín là thứ quà vặt mà trẻ con rất ưa thích với vị ngọt nhẹ, thơm rất đặc trưng.

Tôi còn nhớ như in, mỗi năm khi hè đến cũng là thời điểm mùa bình bát chín. Trái bình bát có hình tròn dài,da láng, trái sống có màu xanh, khi chín vỏ trái có màu vàng cam. Sáng sớm, anh em chúng tôi thường ra gốc cây lượm trái chín rụng bẻ ra ăn ngay. Đôi khi “vẽ duyên” một chút thì dùng dao gọt bỏ vỏ, xẻ ra làm hai, bỏ vào ly giầm và không quên xin tiền mẹ “chạy ù” ra tiệm tạp hóa gần đó mua đường và nước đá thêm vào “cho sang” vì tuổi thơ nơi quê nhà ngày đó còn thiếu thốn đủ mọi bề...

Có người làm sạch vỏ, ướp ít đường cát hay đường phèn trộn đều đợi đêm xuống phơi ngoài trời để hứng sương. Sáng hôm sau được ly bình bát ngọt lịm và mát lạnh. Người ta cho rằng ăn như vậy sẽ chữa được bệnh nhức đầu.

Do cùng họ với với mãng cầu gai, nên người dân quê còn sáng tạo bằng việc ghép chồi non của mãng cầu vào bình bát. Sau đó thân mãng cầu sống trên gốc cây bình bát. Trái mãng cầu tháp cho nhiều nước, vị ngọt lẫn chua mềm, thơm và có vị ngon khác đi ít nhiều so với mãng cầu chính gốc của nó.

Bình bát chín rụng đầy, lượm ăn không hết thì cho cá ăn. Ở miền quê tôi có tập quán nuôi cá dồ cầu. Thời gian sau cá lớn, người ta chuyển từ hầm này sang hầm rọng để cá sạch mình và sẽ ăn dần. Đây chính là lúc người ta lượm những trái bình bát chín rụng về nuôi cá. Cá ăn bình bát vừa sạch, vừa béo, chừng nửa tháng sau lấy lưới kéo lên tả pín lù hay kho tương đều ngon miệng.
Ông tôi lúc còn sống cũng trồng mấy gốc cạnh ao cá để trái chín làm thức ăn cho cá,tôi nhớ khi tôi 28 tuổi thì tụi nó vẫn còn,chỉ sau này nhà cải tạo lại vườn nên đốn đi.

Người tha hương, có lúc bồi hồi nhớ tiếng võng kẽo kẹt với lời ru ngọt ngào của mẹ:
Ầu … ơ... Xa quê vẫn nhớ quê nhà
Nhớ trái bình bát …đậm đà ngọt ngon.
D.K.H

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI NGỎ

  Hội nhóm Quán Chiêu Văn là nơi dành cho những người yêu thích văn chương và viết lách lui tới giao lưu sinh hoạt và chia sẻ cùng nhau về sở thích. Thành viên tự nguyện tham gia, không phân biệt vùng miền, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và vị trí công tác... Tất cả thành viên đều...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Quán Chiêu Văn?

Thống kê
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,360
  • Tháng hiện tại33,188
  • Tổng lượt truy cập4,123,717
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây