Truyện ngắn của Thanh Tuân
Đó là một người đàn bà điên. Thị ta tên là Bích. Lũ trẻ thường gọi là “bà Bích điên”. Người đàn bà điên đó quanh quẩn trước cổng trường Tiểu học. Một ngôi trường làng khá rách nát. Nát như bộ trang phục màu cháo lòng trên người thị ta. Người đàn bà điên đó xuất hiện tự bao giờ? Lũ trẻ nhỏ chẳng đứa nào biết cả. Bởi mỗi năm học mới, khi chúng chập chững bước vào trường thì đã nghe tiếng thị ta ngọt lịm chào đón chúng rồi:
- Má chào các con! Con của má đi học ngoan, nhớ nghe lời thầy cô nha...
Đứa nhỏ thì ngơ ngác, sợ sệt. Đứa lớn thì cười ré lên vì gặp lại “bạn cũ”. Và như thường lệ, mỗi sớm mai khi lũ trẻ tới trường, điểm tụ tập của lũ trẻ là bên lề đường trước cổng. Lũ trẻ vây quanh lấy người đàn bà điên. Một vài hòn đá nhỏ, một vài nhánh cây lũ trẻ ném vào thị ta. Thị ta vừa cười vừa nhảy cà tưng như chơi trò nhảy dây. Thế rồi có đứa lấy cây dài khều vào cái túi lát cũ mèm, mốc cợi mà thị ta để bên đường. Người đàn bà quơ tay. Dĩ nhiên lũ trẻ làm sao nhanh bằng thị. Thế là một cuộc giằng co đu đẩy giữa một bên là người đàn bà điên, một bên là lũ trẻ nhỏ. Kết cục bao giờ thị cũng ngã lăn ra đất vì lũ nhỏ buông nhánh cây khi thị kéo mạnh. Kẻ khóc người cười. Thị ta thì ngồi khóc bù lu bù loa, lũ nhỏ thì cười ré lên vì phấn khích.
Và như một điệp khúc, thị ta lục lọi trong cái túi lát lôi ra nào bao thuốc rê, nào giẻ rách, chén sứt và một bộ quần áo trẻ nít màu đỏ chấm bi. Thị cầm cái áo bông đỏ chấm bi mà ầng ậc nước mắt. Thị mân mê cái áo, sờ soạng từng nếp gấp, lật qua, lật lại... Thị hu hu khóc như một đứa trẻ bị ăn đòn vì tội lì lợm. Nước mắt lăn dài trên gò má nhô cao, sạm nắng. Cái hàm răng cắn chặt. Gương mặt trái xoan dù đen đúa, còm nhom nhưng vẫn đẹp hồ mị giờ hằn lên những vết cơ càng thấy thị ốm hơn. Thị cứ khóc như thế, khóc như chưa bao giờ được khóc. Lũ nhỏ cười ha ha. Có đứa thì lại ngơ ngác: “Lớn rồi, té mà cũng khóc.” Kệ. Ai nói gì kệ, người đàn bà điên vẫn bưng cái áo hoa vào mặt mà khóc. Mái tóc xơ rối càng thêm bù xù hơn. Gương mặt bây giờ bê bết cả mồ hôi lẫn nước mắt.

Rồi cái gì đến cũng đến. Thị ré lên, ném tung cái áo hoa lên trời rồi. Ánh mắt yêu thương, đau khổ giờ hằn lên sự căm thù và hằn học. Từng sợi gân máu trong mắt như những tia lửa căm. Gương mặt người đàn bà điên bỗng dữ tợn. Lũ trẻ khiếp đảm chạy biến vào lớp học, lén lút nhìn ra qua khe cửa sổ. Thị lồng lộn lên, ném vứt, cào cấu lung tung, trên mặt mình và trên mặt đất. Thị ré lên không rõ tiếng. Thị hú. Thị hét. Thị cười. Cái cười của một người điên trông thật rợn. Nhưng sâu trong cái cười của thị ẩn chứa niềm đau cùng cực. Bởi thị vừa cười vừa gào để như trút cả nỗi đau chất chứa trong lòng ra. Kết thúc một chu kì của những cung bật cảm xúc đi từ yêu thương đến đau khổ và hận thù, thị ta nằm xụi lơ, tóc tai rối bù, mắt đờ đẫn như người vừa mới ngồi đồng xong. Người đàn bà điên nằm chèo queo bên vệ cỏ. Trông thị giờ thảm hại hơn con mèo ốm. Một tấm thân đen nhẻm, ốm nhom, co ro giữa một mớ giẻ rách, mẻ sành...
* * *
Cái thời đói quay quắt, cơm không đủ ăn, nhà nhà phải độn khoai xiêm (sắn) hay hột mít vào cơm để được no bụng, ấy vậy mà người đàn bà điên vẫn thỉnh thoảng nhận được, khi thì nửa lon, khi thì một lon gạo; đôi khi vài củ khoai lang luộc, khúc khoai xiêm hấp cơm mai còn nóng nguyên; hoặc giả có đôi khi một bọc đậu phộng luộc... Mỗi lần nhận quà, thị ta vòng tay lễ phép: “con cảm ơn ba”, “con cảm ơn má:, “con cảm ơn cô, thầy” hay “má cảm ơn con”…
Dưới gốc cây sơn lu bên vệ đường, thị cũng nhóm lửa, cũng nấu, cũng nướng. Cái nồi hai móp méo, sứt đai và không vung được thị bắt tròng trành lên ba hòn đá bãi. Khói lửa um lên cả một khúc đường. Thị vừa thổi lửa vừa ho lụ khụ. Có đôi khi bắc nồi lên bếp, cho gạo vào và nấu cơm. Mãi vui chơi với lũ học trò nên nồi cơm cháy khét lẹt. Nhưng với thị món nào chả ngon. Cơm cháy khét, khoai sống, thị vẫn ngồi ăn ngồn ngộn.
Bẵng đi một thời gian không thấy người đàn bà điên quanh quẩn trước cổng trường, lũ trẻ thấy nhớ thị. Thị đi đâu được ngoài cái xã lọt thỏm giữa vùng rừng núi này. Muốn xuống phố thì phải đi đò dọc qua cái hồ Phú Ninh rộng lớn. Nhưng liệu có chuyến đò nào dám chở một bà điên qua sông? Vậy thì thị đi đâu? Chẳng ai biết. Lũ trẻ thấy buồn vì chẳng có ai để chọc phá. Sáng sáng trước cổng trường vắng hẳn tiếng chào con của người mẹ điên. Có người bảo chắc thị băng rừng về quê. Ồ! Hóa ra thị cũng có quê. Nói vậy thôi chứ nào ai biết. Chẳng ai biết thị đi đâu. Cũng chẳng ai đăng bài báo tin một người điên mất tích cho công an khi họ chẳng là người thân của nhau.
Một tháng sau, cái khoảng thời gian một tháng không quá dài để lũ trẻ quên hẳn người đàn bà điên, thỉnh thoảng chúng vẫn ghẹo nhau: “mi là đồ bà Bích”, thì người đàn bà điên quay về. Đó là một sáng mùa đông không mây giăng mờ trên đỉnh núi Chúa, những tia nắng dù yếu ớt của mùa đông cũng đủ đánh thức những giọt sương mở mắt long lanh trên ngọn lá, lũ trẻ tung tăng đến trường như thường nhật. Dưới gốc cây sơn lu trước trường, người đàn bà điên nằm co ro. Lũ trẻ trợn tròn mắt nhìn vui sướng. Lần này, trên người thị ta khoát thêm lên một tấm mền cũ kĩ. Con chó ghẻ lở gớm ghiếc, lông không rõ màu mà có lần lũ trẻ hè nhau đuổi ép xuống sông, giờ nằm tròn bên cạnh thị ta. Lũ trẻ hét la vang câu đồng dao quen thuộc “Bà điên bà khùng, cái mặt bà chùng bùng như bãi cứt trâu...”. Con chó hốt hoảng giật mình sủa vang. Người đàn bà điên thức giấc, thị ta ôm con chó vào lòng vỗ về "Ngoan con, ngoan con đừng sợ".
"À ơi...gió đưa cây cải về trời
...Chớ rau răm ở lại chịu đời đắng cay..."

Lũ trẻ nín thinh, lắng nghe lời ru của thị. Cũng bài hát quen thuộc mà chúng thường được nghe từ bà, từ mẹ, ấy vậy mà bây giờ nghe sao hay đến thế. Lời ru của thị trong veo, ngọt xớt. Thị vỗ về con chó như con của mình. Con chó ghẻ nằm co trong lòng thị. Lần này thị có “con” thật rồi. Thị hồ hởi khoe với những người đi đường. Ai cũng vui lây cho niềm vui của thị. Vậy là trước cổng trường Tiểu học rách nát, người đàn bà điên rách rưới dẫn theo "đứa con" không lành lặn của mình lại xuất hiện.
* * *
Mười năm xa quê, quãng thời gian không nhỏ để có thể quên đi những cái không đáng nhớ. Dĩ nhiên người đàn bà điên không thân thích kia cũng nằm trong danh sách những cái đáng để quên. Học tập và công việc xô bồ, tôi dần quên đi người đàn bà điên trước ngôi trường Tiểu học, vả lại cũng chẳng có thời gian đâu mà nghĩ miên man về thị ta. Nhưng đâu đó giữa phố thị xa hoa, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp một vài người điên, họ cũng đi lang thang, vô định. Lúc đó tôi chạnh lòng nhớ về bà Bích, người đàn bà điên cùng con chó. Nhớ rồi quên ngay thôi. Quên rồi đôi khi lại thoáng nhớ.
Tôi trở về quê trong một buổi trưa miền Trung đổ lửa. Ngồi nghỉ chân trước ngôi trường cũ, trường bây giờ khang trang hơn, bề thế hơn. Bà Bảy vẫn bán quà vặt trước trường như mọi khi. Bà cười khi nghe tôi nhắc chuyện cũ.
- Đó, nhà bà Bích đó.
Vừa nói, người đàn bà vừa hất hàm về một ngôi nhà nhỏ, khiêm tốn nép sát chân tường của ngôi trường.
- Nhà nước xây cho bả đó con. Chừ bả khôn bằng mười người bình thường chứ điên.
Người đàn bà lại cười. Thấy tôi ngơ ngác chẳng hiểu, người đàn bà tiếp lời.
- Hồi người ta mới làm đường nhựa xong, bả đi lang thang theo đường nhựa, đi đâu vào Quảng Ngãi. Nghe nói bả thấy đứa con nít nhà ai đi lang thang, bắt bồng đi, kêu con của mình. Công an bắt bả, thấy bả điên người ta đưa vào trại tâm thần chữa. Bả hết điên.
Tôi nghe kể mà như không tin vào tai mình.
- Điên như bả mà người ta cũng chữa hết hả cô?
- Hết chứ. Bả bị máu sản hậu thôi chứ có bị bệnh bẩm sinh đâu mà không hết. Bị cha chồng hãm hiếp, chồng nghe lời cha đánh đập, rồi cả gia đình chồng đuổi đi khi sinh con mới vài tháng, bả bị máu sản hậu mà điên. Đứa con nhỏ vặt vẹo được người ta thương đưa vào trại mồ côi. Thương con nên đi đâu, gặp ai bà ta cũng nhận là con mình. Tội nghiệp!
Người đàn bà bán hàng còn nói gì thêm nhưng tịnh hồ như tôi chẳng nghe lấy một chữ nào vào tai mình nữa. Ấy vậy mà cứ tưởng con người đó là người không quá khứ.
Tôi uống vội ngụm nước. Mắt tôi nhòa đi trong cái nắng trưa mùa hạ. Trong khoảng không mờ đục, tôi thấy hiện lên hình ảnh người đàn bà điên bồng con chó. Tiếng ru “ầu ơ...gió đưa cây cải về trời....” vẳng đâu đó bên tai.
* * *
Cốc...cốc...cốc...
Tiếng gõ cửa dồn dập.
- Ai đó? Chờ chút.
Thị loay hoay bật điện, mở chốt cửa mà chẳng nghe ai trả lời. Cái chốt cửa vừa mở, hắn lao vào. Một tay vung con dao sáng loáng dưới ánh điện, một tay bịt ngay vào miệng thị. Quá bất ngờ, thị ngã nhào. Hắn đè lên ngay người thị.
- Im không tui đâm chết.
Sau phút hoàn hồn, thị vùng vẫy. Cái bản năng sinh tồn khiến thị vùng vẫy dữ dội hơn, Hắn bóp chặt cổ thị, đè thị chặt hơn xuống nền nhà khiến thị chỉ ú ớ.
- Nằm im, im không tui đâm chết. - Hắn gầm gừ.
Con dao nhọn hắn dứ qua trước mắt thị cũng chẳng làm thị khuất phục. Nhưng rồi cái sức của người đàn bà gần lục tuần cũng có hạng. Vùng vẫy một thôi, thị mệt nhoài. Thấy thị nằm im, hắn bắt đầu nới cái bàn tay trên miệng mà chuyển dần xuống sờ soạng thị. . .
Trời ơi, hắn làm chi? ... Đi từ hốt hoảng này tới hốt hoảng khác. Không phải cướp của? Vậy hắn định làm chi? Trời... Bốp. Một bạt tai thị xáng vào mặt hắn. Hắn trừng mắt lên nhìn thị. Thị lại vùng vẫy. Cuộc vật lộn lại tiếp tục. Kết quả vẫn như cũ, thị nằm xụi lơ sau một hồi vật vã. Hai bàn tay hắn lao vào sờ soạn thị. Nhớp nhúa. Thị nằm im. Đầu thị ngẹo sang một bên. Tóc tai rũ rượi. Thị nhục nhã quá. Đôi mắt mờ đục, hằn lên những đường gân máu và ngấn nước. Thị nghiến chặt hàm răng, cái hàm răng đã hểnh khuyết. Trên cái gương mặt đen đúa, xương xẩu kia, quai hàm bạnh ra. Thị căm tức. Thị hận. Thị nhục nhã ê chề khi hắn lột trần thị. Đôi mắt nhìn đờ đẫn về phía ánh đèn nhưng trông chừng vô cảm.
Hắn lục đục trên người thị. Rồi thị thấy như đau xé da thịt. Cái đau như lôi thị về thực tại. Bàn tay thị cào cấu trên nền xi măng như tìm lấy một sự bấu víu. Tất cả vô vọng.

Sao thị không hét lên. Thị có thể hét to lên. Ít nhất cũng có được vài người hàng xóm lao tới, vì ở đây ai cũng yêu thương và quan tâm thị. Như thế thì hắn sẽ bị lôi ra tòa vì tội hiếp dâm. Rồi thị thấy một gia đình tan vỡ. Họ sẽ sống sao khi trong nhà lại có một tên tội phạm, mà là cái tội đáng nguyền rủa, cái tội xấu xa này. Cuộc đời còn lại của hắn sẽ ngồi tù bóc lịch. Xứng đáng không cho một phút lầm dại? Đó là thị nghĩ.
Thị im lặng. Sự im lặng không đồng nghĩa với sự đồng lõa. Bởi thị đang thấy mình nhục nhã, với chính mình. Và với hắn, thị thấy ê chề. Không con cái, sống nhờ hàng xóm mà nhờ nhà hắn cũng nhiều, giờ mang nỗi nhục nhã này như một sự báo đáp???.
Ôi! Người đàn bà ... điên. Giá như đời đừng đưa thị về với xã hội này. Thà rằng để thị sống với kiếp người quên và nhớ. Phải thế thì nào đâu thị biết hạnh phúc. Phải thế thì nào đâu thị cảm nhận được nỗi nhục nhã thế này. Phải, con người ta nói không sai: Đau khổ nhất của cuộc đời là bi kịch của ý thức, ý thức mà không thể hành động. Đó là bi kịch của thị giờ đây, ngay lúc này.
Người ta có thể đánh giá về thị, lòng tốt đặt không đúng chỗ. Nhưng có trải qua nỗi đau gia đình tan vỡ, nỗi khát khao một mái ấm hạnh phúc thì mới thấy giá trị của sự im lặng. Mắt thị vẫn nhìn về phía ánh đèn. Ánh đèn mờ dần, nhòa dần. Thị thấy hiện lên gương mặt gã. Trời, cái gương mặt gã cha chồng khốn nạn, cái gương mặt thị đã cố vứt bỏ vào một cái xó nào đó của cuộc đời, sao giờ đây lại hiện lên trước mặt thị nguyên vẹn và ghê tởm đến vậy. Gần ba mươi năm thị sống kiếp con vật. Thị quên, thị nhớ, thị khóc, thị cười...và thị vẫn ám ảnh ngay cả trong giấc mơ cái gương mặt gã cha chồng khốn kiếp. Trở về với con người có ý thức, thị đã vứt đi cái sự ám ảnh. Giờ đây cái hình ảnh đó cùng kí ức đau khổ lại theo về. Chính hắn đã gợi về trong thị.
Ngày thị Bích sinh được non vài tháng, gã cha chồng đã giở trò đồi bại với con dâu của mình. Đau đớn hơn khi thị lại nhận hai cái bạt tai từ chồng, người mà thị tin và trao cả cuộc đời, với cái tội dám bôi xấu cha anh ta.
- Cút đi đâu thì cút. Đó là câu nói không bao giờ thị quên.
Thị trừng mắt nhìn gã cha chồng, nhìn chồng rồi thị cười. Thị phá lên cười ha hả. Thị cười cho thị, thị cười cho đời quá trớ trêu. Máu sản hậu dồn lên não, thị bước xuống đường bắt đầu cho nửa đời đi hoang.
Thị trở lại “thế giới loài người” đó là một điều hết sức diệu kì sau gần ba mươi năm điên dại. Về cái thế giới đã cho thị hạnh phúc và cũng đã lấy đi hạnh phúc, mang tới cho thị nỗi uất hận. Về thế giới này những tưởng được chốn nương thân cuối đời. Cánh bèo trôi những tưởng đã tìm được bãi bồi. Cánh chim lạc những tưởng tìm được về tổ ấm. Nhưng sự đời thật lắm dâu bể…
Sau một hồi thỏa mãn dục vọng, hắn hắn tìm mặc lại quần áo bỏ thị nằm trơ trọi. Tiếng chó sủa vang đầu ngõ, hắn chuồn êm ra cửa sau. Dưới ánh điện, thị lõa lồ nằm, đôi mắt mở trân nhìn ngây dại. Rồi thị cười. Cười không thành tiếng. Rồi cười sằng sặc, ngây dại. Thị đã chết, ít nhất là tâm hồn thị đã chết. Con người có đi qua nỗi đau mới cảm nhận được hạnh phúc và có đi qua hạnh phúc thì mới thấy nỗi đau tê tái nhường nào. Việc gì phải khổ? Việc gì phải đau khổ? Thị tự nhủ. Mình là bà điên, điên làm chi biết khổ...
Thị lồm cồm dậy, đẩy cửa, bò ra ngoài. Đêm mịt mù tối.
Thoảng khi vào những đêm u tịch cô liêu, người ta vẫn nghe vẳng xa câu hát rau răm ở lại ngày nào. Câu hát đứt quãng, tức tưởi, vỡ vụn theo gió mênh mênh giữa thinh không...
T.T