RƠM THƠM MÙA VÀNG
Tống Phước Bảo
2021-12-26T22:35:02-05:00
2021-12-26T22:35:02-05:00
https://quanchieuvan.com/van-xuoi/rom-thom-mua-vang-1220.html
https://quanchieuvan.com/uploads/news/2021_12/6-1a-16230369396572024937738-0-0-350-560-crop-16230369453041538175324.jpg
QUÁN CHIÊU VĂN
https://quanchieuvan.com/uploads/logo2.png
Chủ nhật - 26/12/2021 22:35
Tản văn của Chung Tiến Lực
Lững thững thả bộ trên con đường rải đầy rơm phơi vụ mùa, bỗng thấy lòng mình bâng khuâng lạ. Một cảm giác ấm êm níu kéo thân thiết nơi bàn chân. Ở nông thôn có nhiều hương vị đặc sắc lắm. Có những hương vị không biết từ khi nào như thấm sâu vào máu thịt, tâm can con người. Mùi rơm rạ, đánh thức những mùa màng ngày còn ở nhà, đi học. Trên con đường làng, cũng những sợi rơm vàng cứ quấn lấy chân như níu giữ bước đi nghe thân mật, gần gũi và yêu thương.
Mùa gặt hình như chỗ nào cũng phơi rơm rạ, rơm phơi hong ở trong sân vườn, ở ngoài đường, ngõ liên thôn. Một mùi thơm nồng ấm, như bủa vây quanh làng. Có phải mùi thơm ngai ngái và ai ải mùi bùn non tạo nên không khí tất bật của mùa màng, liềm hái rộn ràng bước vào vụ gặt?
Gặt xong vụ mùa, cũng là lúc thời tiết đã chuyển hẳn sang đông. Gió mùa đông bắc thổi ù ù qua khe cửa, lay xào xạc tàu lá chuối khô sau vườn. Cái lạnh thon thót như kim châm, rồi tê tái luồn vào da thịt. Trước khi đi làm ở ngoài đồng, mẹ dặn: Các con chơi trong nhà vì hôm nay ngoài trời rét lắm, nhớ khi nghe tiếng máy bay phải chạy nhanh ra hầm chữ A!

Nắng lên, những tia nắng yếu ớt, run rẩy màu vàng tươi như nghệ lọt qua khe cửa lại mời gọi ra sân sưởi nắng. Sân phơi thóc, xung quanh rải dầy rơm vàng ươm là nơi vùng vẫy bày trò chơi con trẻ. Lấy rơm quây thành những chiếc ổ rồi nhảy vào nằm giữa. Phủ rơm lên mình như tấm chăn bông êm ái và ấm áp quá đi thôi. Rơm làm đệm êm đỡ lưng khi nhào lộn, trồng cây chuối, đuổi bắt, trốn tìm, hò nhau tung lên cao cho rơm lả tả rơi xuống người, rơm làm bà đỡ hiền từ và bảo hiểm cho trẻ con tập nhảy cao, nhảy xa…
Rơm lúa tẻ sợi nhỏ và mềm, dùng để làm chất đốt hay buộc mớ rau, nhúm hành hoa làm hàng chợ. Rơm lúa nếp sợi to, cứng cáp hơn bà nội buộc từng bó nhỏ, xếp cho đứng chụm vào nhau hong khô để bện chổi quét nhà. Chơi đùa trên sân phơi rơm thật thích, vừa ấm áp vừa êm ái hương vị đồng quê. Rơm thơm đã mang hương đồng gió nội về nhà cho trẻ nhỏ đùa giỡn cùng với chú mèo mướp trên sân. Chúng chơi đấy nhưng vẫn canh chừng nhìn theo bóng nắng, khi vệt râm mái hiên chạy đến hàng thứ ba hàng gạch xây trên sân (khoảng mười giờ) là đi vo gạo nấu cơm. Đun cơm bằng rơm khô nhàn lắm, chỉ việc ngồi thong thả dùng que giẽ sắt gảy những cọng rơm lùa vào bếp. Cơm cạn nước, vần ủ trong than tro rơm đợi người lớn đi làm về ăn cơm còn đi học. Lửa trong than tro rơm đượm nên cơm chín dẻo và đều.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, bố bện sợi rơm cuốn thành chiếc mũ rộng vành cho các con đội đầu đi học. Ngày ấy là thời chiến, cắp sách tới trường đám “nhát quỷ nhì ma…” đứa nào cũng đầu đội muux rơm, lưng đeo chiếc bùi nhùi rơm tròn như vành nón phòng chống bom đạn.
Những ngày rét đậm, rét hại. Mẹ mang mấy ôm rơm khô vào nhà kết thành chiếc ổ. Hơi ấm ổ rơm xua đi cái lạnh cắt da, cắt thịt. Cái hơi ấm nồng nàn của rơm khô đượm mùi nắng gió như hơi thở ấm nóng của đất trời và cả mồ hôi của người trồng lúa. Mấy anh em tha hồ mà nhảy nhót rồi nằm cuộn tròn trong chiếc ổ rơm như chiếc tổ chim ri, ngủ ngon lành.
Đi học về, thích thú chạy ùa vào sân đình đang là sân kho của Hợp tác xã Nông nghiệp. Nơi ấy, bà con xã viên mải miết trục lúa, một công đoạn của ngày mùa. Những bó lúa từ những cánh đồng gánh về đây được rũ rối thành một lớp dầy trên sân. Hơn chục hòn đá hình trụ, tròn lẳn như những chú lợn ỉn nằm trong khung gông bằng tre đực. Mỗi hòn đá một người kéo và một người đẩy đi thành những vòng tròn trên sân lúa để hạt thóc rụng ra. Trục lúa xong, rơm được rũ cho hết thóc và ném từng ôm ra xung quanh sân. Cuối ngày, rơm được chia cho các hộ mang về làm chất đốt hay để dành cho trâu bò ăn trong những ngày mưa bão, lụt lội trâu bò phải ở trong chuồng.
Lửa rơm nấu cơm ngon lành vì có mùi khói thơm nồng. Tro rơm màu xám mịn người nông dân dùng để đổ thấm nước trong chuồng lợn. Nhìn đôi lợn khụt khịt ngủ say tít giữa đống tro ấm thật bình yên.
Nhưng thích nhất là đám trẻ chăn trâu. Cho trâu ăn dưới chân đê để tránh gió. Mấy đứa rủ nhau đi trong những luống ải xếp cao tự nhiên thấy ấm hẳn. Trên tay chúng là chiếc bùi nhùi rơm đang nghi ngút khói sưởi. Mùi khói rơm phảng phất giữa đồng không, thật ấm áp và thú vị.

Chơi chán trò chơi thả diều, đánh trận giả đám trẻ lại cùng nhau vơ rơm rạ dưới chân đê đốt lửa nướng khoai. Mùi khoai lang nướng thơm như mật mía, ấm sực cả cánh đồng. Nhà thơ Đồng Đức Bốn có câu thơ thật hay về khung cảnh này: “ Chăn trâu đốt lửa trên đồng/rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/mải mê đuổi một con diều/củ khoai nướng để cả chiều thành than”.
Vụ lúa chiêm, trời nắng như đổ lửa. Nắng đấy và cũng là mưa đấy. Những con mưa mùa hè sầm sập ào qua như trò chơi đuổi bắt. Nắng thì rải rơm ra sân, ngõ phơi. Nhìn đằng đông mây đen kéo đến thì hò nhau hối hả “chạy” rơm, đúng là : “Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy”. Cứ thế, vài ngày là rơm khô cong, tỏa mùi nóng bức, nồng nàn. Từng ôm rơm được người dưới tung lên, người trên đón lấy lợp thành cây rơm ở góc vườn. Cây rơm to là biểu tượng một vụ mùa bội thu, một mùa vàng no ấm.
Nhiều khi ngẫm thương cây lúa như thương người nông dân lam lũ vậy. Từ bông lúa đến hạt gạo dẻo thơm ngọt ngon, rồi đến vỏ trấu hay rơm, rạ đều dâng hiến cho con người. Rơm, vỏ trấu làm chất đốt đun cơm. Rạ vuốt thẳng dùng để lợp nhà. Đến gốc lúa cũng âm thầm tạo mùn làm màu mỡ cho đất.
Ngày nay, công việc gặt lúa đã có máy gặt liên hợp. Người nông dân không phải gặt hái, gánh gồng và trục lúa nữa. Nhưng vẫn tha thiết, không hết nhớ liềm hái tay bà, tay mẹ, những người nông dân tay lấm, chân bùn. Liềm hái tay bà, tay mẹ gặt lúa cũng là gặt về cho anh em chúng tôi những tung tăng rơm rạ, háo hức ngày mùa và cả bịn rịn khi xa.
Ngày nay sống ở thành thị, xúc cảm những dịp về quê đúng vào những ngày mùa để đi chân trần trên đường phơi rơm. Những con gà mái hoa mơ tìm hạt thóc còn vương trong rơm, cục cục chiêm chiếp gọi con, nhìn sao mà thơ mà thương đến thế. Mùi thơm rơm, tươi nồng nàn, lạng nhẹ trên môi lan tỏa tình cảm yêu thương, đầm ấm. Dạo bước trên con đường làng rơm thơm, trong lòng ngân rung: “Mộc mạc thân thương mùi rơm rạ/nồng nàn ấm áp như người thân/mưa nắng tảo tần nơi đồng ruộng/mùa màng chạm nhớ bàn tay chai…”.
C.T.L