THÈM NGHE NHỮNG TIẾNG TRỐNG ĐÌNH
Tống Phước Bảo
2022-03-28T06:38:13-04:00
2022-03-28T06:38:13-04:00
https://quanchieuvan.com/van-xuoi/them-nghe-nhung-tieng-trong-dinh-1256.html
https://quanchieuvan.com/uploads/news/2022_03/danh-trong-khai-hoi.jpg
QUÁN CHIÊU VĂN
https://quanchieuvan.com/uploads/logo2.png
Thứ hai - 28/03/2022 06:38
Tạp bút của Nguyễn Thị Mai Trâm
Khi tiếng trống "thùng thùng" nổi lên bên Đình thần đối diện như muốn át cả tiếng giáo viên đang giảng bài thì đám con nít không còn ngồi yên trong lớp học được nữa mà bắt đầu hướng mắt về phía sân đình, dọc theo bờ ruộng để nhìn lũ lượt từng nhóm người xóm trên, xóm dưới kéo nhau đi cúng đình, coi hát khiến chúng nôn nao, có đứa cả gan xin giáo viên cho cả lớp nghỉ để đi coi hát. Ban đầu thầy cô cũng chần chừ, nhưng sau đó chính họ cũng không thể kìm lòng khi nghe giọng điệu "ứ ự ừ ư" của người nghệ sĩ vọng sang. Và cuối cùng 5 lớp tiểu học (sĩ số học sinh mỗi lớp chỉ tầm chục đứa) được phép để cặp tại lớp, ùa qua sân đình chen nhau coi hát, có đứa coi đến khi đói bụng thì chạy về ăn cơm, bỏ quên luôn cặp sách.
Đó là hồi tôi còn học tiểu học. Đối diện trường là Đình thần Lò Vôi (nay là Đình thần Phước Hưng). Đình nằm trong một không gian yên ả, êm đềm dưới tán cây gạo cổ thụ, bốn mùa xanh mát. Mái đình lợp ngói âm dương mộc mạc, cổ kính với mấy gian thờ nhỏ chạy dài cùng những hàng cột vuông vức. Bên hông đình cây cối mọc um tùm, rậm rạp. Từng đám hoa ti gôn leo lên quấn chặt trên những lùm cây hoặc bò dài trên đất, những bông hoa nhỏ bé nở hồng rực một vùng. Bước qua sân đình, cái cảm giác nhẹ nhõm, an yên tràn ngập tâm hồn. Phía trước góc sân bên trái, cạnh gốc cây gạo là cái giếng, nước ngọt mát, trong lành, là nơi tụ họp, chuyện trò và là không gian sinh hoạt chung của cả xóm.
Cứ đến giờ ra chơi, đám học sinh lẫn con nít trong xóm lại túa ra sân đình chơi nhảy dây, bắn bi, trốn tìm. Mấy đứa con gái thơ thẩn hái dây ti gôn quấn thành từng vòng hoa rực rỡ đeo vào cổ, đội trên đầu trông rất dễ thương.
Ông ngoại tôi kể rằng ngôi đình thờ danh tướng Võ Công Tánh, quê huyện Phước An, Biên Hòa. Ông là người tinh thông võ nghệ, binh thư, được xưng tụng là "Gia Định tam hùng". Những năm 1784 - 1788, ông góp công mở rộng bờ cõi nhà Nguyễn ở vùng đất Gò Công. Năm 1801, ông tuẫn tiết do bị quân Tây Sơn bao vây thành, được vua Gia Long truy tặng Hoàn Quốc Công. Lời truyền sau khi ông tuẫn tiết, linh hồn ông theo đám mây bay về và quy tụ tại ấp Lò Vôi. Dân làng đã lập đình thần thờ ông, coi như một vị thành hoàng.

Qua tháng hai âm lịch không bao lâu thì có lễ cúng đình với nhiều nghi thức trang trọng, thiêng liêng để tạ ơn thành hoàng, cầu quốc thái dân an, xóm làng thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Dân làng đến cúng thường mang theo lễ vật như heo quay, gà luộc, hoa trái... cầu những điều tốt đẹp cho bản thân, gia quyến. Ban tế tự tổ chức nấu ăn phục vụ dân làng trong không khí vui tươi, phấn khởi.
Cúng đình kéo dài ba ngày nhưng người dân trong xóm đã tập trung dọn dẹp, chặt cây, phát cỏ, lên danh sách mượn bàn ghế, chén đũa... từ trước đó cả tháng. Nhất là trước ngày diễn ra lễ chính, họ quét dọn, lau chùi, rửa ly chén, gói bánh, nấu nướng. Vừa làm, họ vừa trò chuyện rôm rả, vui vẻ, thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Những ngày này, ông bà ngoại, cậu mợ, dì dượng và má tôi luôn có mặt ở đình để phụ việc.
Tôi khoái cúng đình vì mê ăn và mê coi hát bội. Dù tan học buổi trưa hay buổi chiều thì quá nửa đêm tôi mới cùng mọi người về đến nhà ngoại. Mấy vở diễn tôi coi đi coi lại năm này qua năm nọ như Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Phụng Nghi Đình, Thần nữ dâng ngũ linh kì, La Thông tảo Bắc... đến giờ tôi vẫn còn nhớ.
Ngồi phía trước sân khấu xem không đã, tôi theo mấy thằng con trai chui vô cánh gà coi nghệ sĩ hóa trang, vẽ mặt. Tôi bất ngờ khi thấy nữ tướng Phàn Lê Huê đầu đội lông công, lưng mang cờ ngũ sắc trông rất oai phong lẫm liệt trên sân khấu lúc nãy, đang ngồi trên ghế gặm xương gà, thỉnh thoảng múc muỗng cháo từ cái tô bốc khói, thổi phù phù rồi húp cái "rột", mồ hôi túa ra trên gương mặt làm nhòe đi lớp phấn. Chú Tiết Đinh San chạy tới, cũng lông công, cũng cờ xí, cũng bộ giáp đang mặc trên người, đưa cho Phàn Lê Huê cái khăn mặt và tiện tay bốc một nhúm gỏi gà đựng trong cái thau nhỏ, để cạnh tô cháo của Phàn Lê Huê, bỏ vào miệng nhai nhồm nhoàm và buông lời khen: "Bà nào trộn gỏi ngon dữ!".

Tôi trố mắt nhìn cả hai không chớp, nghĩ thầm: "Thì ra là Tiết Đinh San và Phàn Lê Huê tài giỏi như vậy mà cũng ăn bốc giống mình!".
Hát bội hay hát tuồng trong lễ cúng đình đều có 3 tiết mục: xây chầu hát bội, hát tuồng và tôn vương. Trong các màn hát thường có một vị chức sắc của đình hoặc người có uy tín trong cộng đồng cầm chầu, là người thay mặt thần, thay mặt khán giả khen chê bằng tiếng trống.
Tôi nhớ có lần ông ngoại tôi cầm chầu. Lúc đó phía trên sân khấu đang hát tuồng "Bao Công xử án Quách Hòe", tới cảnh xử trảm Quách Hòe thì đao phủ vung đao lên, chẳng may vuột tay, cây đao bằng nhựa dán giấy bạc sáng loáng bay xuống ngay chỗ ông ngoại ngồi khiến ông vứt dùi trống, xô ghế chạy thoát thân! Mấy vị chức sắc cao niên ngồi gần ông cũng túm áo dài "bông thọ" chạy run lập cập, rớt cả khăn đóng đội đầu. Tình hình hết sức lộn xộn, ồn ào, tiếng cười như vỡ chợ. Vụ "hành quyết" phải dừng lại vì đao phủ phải xuống sân khấu tìm đao! Đám con nít xúm vô tìm phụ cái dùi trống của ông ngoại tôi và cây đao trả về cho chủ!
Lần khác ông Năm Hợi cầm chầu, đến đoạn gây cấn, ông đánh trống hăng quá bay cả dùi lên sân khấu khiến "bà" Lưu Kim Đính "xấu như ma" hoảng hồn bỏ chạy có cờ! Khỏi phải nói, khán giả được một phen cười nghiêng ngửa...
Tôi học lên cấp hai, cấp ba, xa mái đình thân thuộc. Thỉnh thoảng tôi về thăm ngoại, về lại mái đình xưa, dự thêm được mấy đợt cúng đình, coi thêm được mấy tuồng hát. Rồi ông bà ngoại mất, mỗi lần về tôi chỉ kịp thắp nén nhang cho ông bà, trò chuyện với dì đôi ba câu rồi lại vội vã đi, không còn ghé ngôi đình cũ.
Thời gian cứ thế trôi đi, tôi bị hút vào vòng xoáy cơm, gạo, áo, tiền dễ đã hai mươi lăm năm, nay mới có dịp trở lại thăm đình. Đình đã trải qua mây đợt trùng tu, cây gạo già nua vẫn còn đó, cành nhánh to cao hơn. Cái giếng nước vẫn còn nhưng không ai xài đến, mặt nước phủ đầy lá rụng. Hàng năm vẫn tổ chức cúng đình nhưng không còn hát bội, không còn cái không khí làng trên xóm dưới tụ họp đông đảo như xưa. Các vị cao niên lão làng đều lần lượt quy tiên, người cũ của làng không còn nhiều, lớp trẻ lại không mấy mặn mà với việc cúng đình, xem hát bội.
Tôi đứng bên mái đình rêu phong, cố tìm lại nhịp trống chầu trong kí ức, giờ đang dần thưa thớt. Tôi chợt thèm được nghe lại tiếng trống đình. Trước đây ông ngoại tôi thường bảo trống đình là thái cực linh thiêng. Dân làng tin tiếng trống thái cực đêm khuya chẳng những làm cho thông thiêng triệt địa, khiến cho hoàng thiên hậu thổ, thánh thần cảm ứng mà còn tiêu diệt phiền não, khổ ải, đem lại an lạc, hòa ái. Tiếng trống xua tà ma phải tránh xa và thức tỉnh con người đoàn kết, tránh xa điều xấu.
Mỗi lần đi xa, tôi có dịp nghe tiếng trống chầu đâu đó vang lên vào mùa lễ hội kì yên ở đình làng nào đấy, tôi bùi ngùi nán lại như cố níu chút hồn xưa xứ sở.
N.T.M.T